Made in VietNam, dán nhãn phải dựa trên tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam

Made in VietNam, dán nhãn phải dựa trên tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam

Vụ việc của Asanzo đang đến hồi gay cấn. Đến nay, chưa một cơ quan có thẩm quyền nào kết luận về vụ việc của doanh nghiệp này, trong khi Asanzo liên tục hối thúc có một kết quả điều tra cuối cùng.

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Asanzo đã gửi thư lên Tổng Cục quản lí thị trường, mong muốn đơn vị này sớm kiểm tra, kết luận xuất xứ sản phẩm.

Cụ thể, Asanzo cho biết trong suốt hai tuần, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đặt nghi vấn Asanzo nhập khẩu sản phẩm điện tử gia dụng từ Trung Quốc, sau đó thay đổi xuất xứ thành Việt Nam để lừa người tiêu dùng.

Asanzo cho rằng: Thực tế từ đầu năm 2018 trở về trước, Asanzo sản xuất và lắp ráp thành phẩm toàn bộ các sản phẩm điện tử gia dụng của mình mà không nhập khẩu thông qua một bên thứ ba nào. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, doanh nghiệp có nhập khẩu một số mặt hàng thông qua đối tác, đó là lý do trên thị trường hiện nay đang đồng thời tồn tại hai dòng hàng xuất xứ khác nhau, có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và báo chí.

Made in VietNam, dán nhãn phải dựa trên tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam - Ảnh 1.

Vụ việc liên quan đến Asanzo đang chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo, cũng cho biết theo quy định về việc ghi nhãn hàng hoá, bắt buộc doanh nghiệp phải ghi xuất xứ Việt Nam cho tất cả hàng hóa lắp ráp hoàn chỉnh tại Việt Nam. Điều này sẽ đúng dù linh kiện nhập về từ nhiều nước khác nhau, miễn là sản phẩm hoàn chỉnh tại Việt Nam.

“Vì thế, không có chuyện chúng tôi lừa dối người tiêu dùng khi ghi xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng ti vi do chúng tôi sản xuất. Thế nhưng nghi vấn trên đang khiến người tiêu dùng trong cả nước ngưng mua hàng. Các nhà phân phối ngưng nhập hàng và tất cả tài khoản ngân hàng đều đã bị đóng băng, khiến cho việc kinh doanh đình trệ, khốn đốn”, Asanzo thông tin.

Trên thực tế, nếu Asanzo nhập khẩu nguyên chiếc sản phẩm về rồi cắt mác “made in China”, thay vào đó là mác “xuất xứ Việt Nam” hay “made in Vietnam” thì đó chắc chắn là vụ Khaisilk thứ hai.

Thế nhưng, vụ việc của Asanzo lại phức tạp hơn khi doanh nghiệp này có hoạt động lắp ráp từ các linh kiện nhập khẩu, chẳng hạn với mặt hàng ti vi mà báo chí phản ánh. Đây cũng là điều nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đang thực hiện. Vậy nên, việc xác minh kết quả vụ việc này cũng phải rất thận trọng.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, cho hay: Đối với sản phẩm có xuất xứ không thuần túy, theo quy định của pháp luật Việt Nam là sản phẩm có tỉ lệ phần trăm giá trị nguyên liệu không có xuất xứ từ Việt Nam ≥ 30% tổng giá trị của hàng hóa được sản xuất ra. Điều này thể hiện ở Thông tư 05/2018/TT – BCT ngày 03/04/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa.

Như vậy, nếu hiểu đúng, một hàng hóa được gắn dòng chữ “Made in Vietnam” chưa chắc nguyên liệu làm nên hàng hóa đó có xuất xứ 100% từ Việt Nam. Thực tế, các doanh nghiệp, chẳng hạn như may mặc, có khoảng 50% nguyên liệu vải sợi được nhập từ Trung Quốc nhưng sản phẩm được hoàn thiện tại Việt Nam nên hoàn toàn vẫn đáp ứng tiêu chí “Made in Vietnam”.

Đối với mặt hàng công nghệ như điện thoại smatphone, việc xác định xuất xứ cũng tương tự như đối với mặt hàng may mặc. “Đây là sản phẩm được xác định theo xuất xứ không thuần túy”.

Chung quy lại, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng: Nhãn xuất xứ “Made in Vietnam” là để chỉ ra rằng sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam. Một chiếc smartphone được ghi dòng chữ ‘Made in Vietnam’ nhưng nó chỉ mang ý nghĩa là sản phẩm này được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam mà thôi. Cũng giống như một chiếc iPhone ghi “Made in China”, sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc nhưng đó là sản phẩm của Mỹ.

“Ở thời đại 4.0, chuỗi cung ứng toàn cầu thì cái nào rẻ, có lợi cho doanh nghiệp là họ đem về cho doanh nghiệp họ chứ không nhất thiết phải nguyên liệu, chế biến của Việt Nam mới là Việt Nam”, ông Diệp Năng Bình chia sẻ.

Trở lại vụ Asanzo, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng: Ông Phạm Văn Tam (chủ tịch Asanzo) nói rằng đối với sản phẩm tivi, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, 30% còn lại Asanzo tự làm như: thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote… Nếu Asanzo chứng minh được điều này thì được phép ghi nhãn xuất xứ hàng hóa là Việt Nam. Nếu vậy, căn cứ vào luật Asanzo không sai. Trường hợp này, cần thanh tra kiểm tra để chứng minh đúng sai.

Ngoài ra, một thực tế được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại cuộc họp của Bộ này thẳng thắn chỉ ra là: Dù có các văn bản khác nhau nhưng hiện chưa có quy định rõ ràng xác định xuất xứ hàng hóa như nào được gọi là “sản xuất tại Việt Nam”, “hàng hóa của Việt Nam”.

Vì thế, trường hợp do quy định pháp luật chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp hiểu chưa đầy đủ, hoặc doanh nghiệp không cố tình vi phạm thì cần tạo điều kiện để DN khắc phục sai sót để tiếp tục tạo ra của cải vật chất, việc làm cho người lao động.

Pháp luật Việt Nam cũng quy định cụ thể ngăn chặn việc tháo rời máy móc, thiết bị thành nhóm linh kiện để nhập khẩu vào Việt Nam. Bởi trong nhiều trường hợp, nhập linh kiện rẻ hơn nhập khẩu thành phẩm. Trả lời phóng viên, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017), một số trường hợp máy móc, thiết bị nguyên chiếc có thuế nhập khẩu cao hơn linh kiện. Do vậy, việc tháo rời máy móc, thiết bị thành các nhóm linh kiện để nhập khẩu có thể có khả năng gian lận về thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, khi xử lý vấn đề này cơ quan Hải quan cũng rất thận trọng, căn cứ trường hợp cụ thể xem xét các dấu hiệu như: chủ thể, khách thể, lỗi, động cơ, mục đích, hậu quả,… để xử lý theo quy định của pháp luật hình sự hoặc pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Đối với trường hợp vi phạm hành chính thì việc xử phạt vi phạm hành chính phải được xem xét trên cơ sở hồ sơ vụ việc, tình huống cụ thể. Trường hợp vi phạm quy định pháp luật về thuế thì xử phạt theo Điều 8 hoặc Điều 13 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016). 

Theo Hoài Nam

Vietnamnet

Rate this post