Hàng loạt công ty Mỹ ‘dứt áo ra đi’ khỏi Trung Quốc, không hẹn ngày trở lại

Hàng loạt các nhà sản xuất Mỹ đang lũ lượt di chuyển khỏi Trung Quốc khi căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài sang năm thứ 2.

Theo USA Today, 41% công ty Mỹ đang xem xét chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc đã làm như vậy. Các địa điểm ưa thích của họ là Đông Nam Á và Mexico, ít hơn 6% trong số này tính chuyện chuyển về Mỹ.

Hàng loạt công ty Mỹ dứt áo ra đi khỏi Trung Quốc, không hẹn ngày trở lại - Ảnh 1.

Một công nhân làm việc tại nhà máy công nghệ chính xác là Đông Hoản, Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: EPA-EFE)

Steve Madden, nhà sản xuất giày dép và túi xách đã chuyển sản xuất sang Campuchia. GoPro, nhà sản xuất máy ảnh di động đang nhắm tới Mexico. Gap, nhà bán lẻ quần áo và phụ kiện bắt đầu xây dựng các nhà máy mới ở Indonesia, Việt Nam và Bangladesh. Brooks Running, một nhà sản xuất giày và quần áo chạy bộ cho biết họ sẽ chuyển 8.000 việc làm từ Trung Quốc sang Việt Nam vào cuối năm nay.

Các công ty sản xuất giày Crocs, máy làm mát bia Yeti, máy hút bụi Roomba cũng đang có động thái tương tự để tránh mức thuế quan 25% mà Mỹ áp lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Apple cũng đang xem xét chuyển các mắt xích lắp ráp cuối cùng của một số thiết bị ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế.

Hãng sản xuất nội thất Lovesac giảm 15% các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc so với đầu năm. Giám đốc điều hành của Lovesac, ông Shawn Nelson cho biết công ty đang ráo riết chuyển sản xuất sang Việt Nam và dừng sản xuất tại Trung Quốc vào trước cuối năm 2020.

Hàng loạt các động thái này đang xúc tiến quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu khi các công ty có những bước chuẩn bị dài hơi trong trường hợp tranh chấp thương mại kéo dài. Các doanh nghiệp đang chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc cho biết họ không có kế hoạch thay đổi quá trình chuyển đổi này.

Một số công ty nói quyết định dứt áo ra đi khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn sau khi thuế quan Mỹ áp đặt tăng từ 10 lên tới 25% trong tháng 5.

“Một khi chuyển đi, bạn sẽ không trở lại”, ông Nelson cho biết.

Trong khi đó, Washington Post hôm cuối tuần đưa tin đàm phán Mỹ-Trung tiếp tục rơi vào bế tắc sau khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc và một cái tên mới trong phái đoàn đàm phán của Trung Quốc là Bộ trưởng Thương Mại Chung Sơn không đưa ra bất cứ cam kết cụ thể trong cuộc điện đàm hôm 9/7 nhằm nối lại đàm phán thương mại. Thông tin này có phần khác biệt với khẳng định của Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow rằng 2 bên có cuộc thảo luận tốt đẹp dù thừa nhận khó có sự đột phá ngay lập tức trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại giữa 2 bên.

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 12/7 rằng thương chiến Mỹ-Trung đang trong giai đoạn thầm lặng và xác nhận Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tới Trung Quốc trong tương lai gần.

Sau cuộc gặp tại Osaka, Nhật Bản cuối tháng 6, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump đồng ý nối lại đàm phán thương mại nhằm tiến tới một thỏa thuận sau khi tiến trình đàm phán bị ngưng trệ hồi tháng 5. Trung Quốc tuần trước khẳng định lại quan điểm sẽ chỉ tiến tới thỏa thuận thương mại nếu Mỹ dỡ bỏ tất cả các mức thuế áp đặt hiện tại với hàng hóa Trung Quốc, tuy nhiên Washington tỏ thái độ không đồng tình.

(Nguồn: WSJ)

Theo Song Hy

VTCnews

Rate this post