Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam: Trong giai đoạn khó đoán định, doanh nghiệp phải có nhiều kịch bản và tiên lượng được tình huống xấu nhất

“Khi thấy được kết quả kinh doanh, có nghĩa doanh nghiệp thấy quá khứ và sẽ không còn kịp sửa chữa những sai lầm nữa. Cho nên doanh nghiệp phải hoạch định sẵn lộ trình kinh doanh và dự liệu trước chỗ nào sẽ gặp bão và bão cấp mấy”.

Đó là chia sẻ của bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc  KPMG Việt Nam – công ty Big4 chuyên về tư vấn tài chính, kiểm toán, tại tọa đàm trực tuyến Quản trị tài chính trong và sau đại dịch diễn ra tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn mới đây. Bà Ngọc Hảo đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến câu chuyện quản trị tài chính.

Sai lầm của doanh nghiệp: Không đánh giá đúng tầm quan trọng của lập kế hoạch sớm

Theo quan điểm của bà Ngọc Hảo, doanh nghiệp thường không đánh giá đúng tầm quan trọng của việc lập kế hoạch từ sớm. Nếu dự báo các tình huống và tiên định trước các tình huống trù bị thì họ sẽ chủ động tránh được việc đi vào khủng hoảng quá sâu.

Khi thực hiện kế hoạch phát triển công ty, mỗi thành viên trong tập thể sẽ đóng góp phần công việc cá nhân vào kết quả của công ty. Do đó, doanh nghiệp phải có định hướng rõ ràng để từng người trong tổ chức theo con đường chung để trở thành vector cùng hướng.

“Đối với tình hình khó đoán trong thời điểm dịch bệnh như bây giờ thì doanh nghiệp phải có nhiều hơn bình thường, phải tiên lượng tình huống xấu nhất và chia từng lớp chi phí để cắt, giảm. Từ đó, công ty biết được có thể bị hao hụt bao nhiêu, cần làm gì để tìm nguồn tài chính hỗ trợ từ sớm hơn. Nếu họ có kế hoạch rõ ràng, thông tin minh bạch, thì cũng không gặp khó khăn khi giải trình với ngân hàng để xin hỗ trợ”, bà Hảo phân tích.

Theo bà Ngọc Hảo, thông thường quản trị tài chính bắt đầu từ kế hoạch kinh doanh vì quản trị tài chính là kết quả của kinh doanh. Tài chính chính là chỉ số để biết tình hình sức khỏe của doanh nghiệp. Nhưng các chỉ số tài chính là kết quả của quá khứ và sẽ không còn kịp sửa chữa những sai lầm nữa. Cho nên doanh nghiệp phải hoạch định sẵn lộ trình kinh doanh và dự liệu trước chỗ nào sẽ gặp bão và bão cấp mấy.

Bà Hảo đưa ra ví dụ về kế hoạch của KPMG khi Covid-19 ập đến. “Từ trước Tết Nguyên đán, khi có dấu hiệu dịch bệnh KPMG đã tính đến tình huống cho tất cả các phòng ban của công ty, làm sao bảo vệ nhân viên, khách hàng, đáp ứng cam kết với khách hàng, sau đó là các hoạt động khác. Các kế hoạch phải chi tiết, trụ sở bị đóng thì sao, thành phố bị đóng thì sao, cả nước bị đóng thì sao.… Nếu làm việc từ xa thì phải triển khai như thế nào, việc chuẩn bị băng tần, chuẩn bị tình huống có nhân viên ốm đau như thế nào. Từng việc nhỏ phải tính tới từng thứ một, tất cả các tình huống”, Phó Tổng giám đốc KPMG kể.

Nữ lãnh đạo của KPMG nhận định quản trị tài chính cũng tương tự như vậy, phải đến từ những bước đầu. Khi nhìn thấy doanh thu sẽ sụt giảm và tham chiếu với những kế hoạch trước đây, dự liệu tình huống xấu nhất khi doanh thu còn 30-50% thì doanh nghiệp sẽ thiếu hụt gì, cắt được những lớp chi phí nào, và tập trung vào chi phí ngắn hạn, thương lượng nhà cung cấp để giảm và giãn nợ. Doanh nghiệp phải làm những điều trên để đối phó với tình hình.

Đối với khách hàng, theo bà, cần tập trung vào việc thu hồi tiền càng nhanh càng tốt, sẵn sàng giảm giá để lấy tiền sớm. Lúc này không tập trung vào lợi nhuận mà tập trung vào thanh khoản và dòng tiền.

Bên cạnh đó, cần đưa các kịch bản kinh doanh để kết nối với kế hoạch tài chính và đi từng hàng một, từng con số chi tiết. Với tình hình hiện nay có thể phải tính tới từng ngày. “Và chẳng bao giờ là quá trễ để đưa ra các kịch bản kinh doanh vì tình hình dịch còn lâu dài, Việt Nam là một phần của thế giới, mà kinh tế thế giới vẫn chưa thể quay lại bình thường”, lãnh đạo KPMG nhận định.

Minh bạch báo cáo tài chính với doanh nghiệp nhỏ không khó

Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc KPMG cũng chia sẻ một số câu chuyện liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ như tiếp cận vốn, minh bạch dòng tiền.

Bà Ngọc Hảo cho rằng minh bạch tài chính với doanh nghiệp vừa và nhỏ không khó. Vấn là đề có một số doanh nghiệp nhỏ không đề cao các nghiệp vụ kế toán. Trên thực tế, Bộ Tài chính đã đưa ra các hệ thống báo cáo mẫu và rất đầy đủ. Câu chuyện là doanh nghiệp xem vai trò kế toán là quan trọng và ghi chép thông tin đúng đắn và đóng thuế đầy đủ thì doanh nghiệp sẽ dễ chứng minh được lịch sử tài chính.

Báo cáo tài chính là tiền đề cho sự tin tưởng. Các tổ chức tín dụng, hay bên cung cấp tín dụng không ở trong doanh nghiệp nên họ cần biết sự minh bạch để có niềm tin cho vay tiền. Họ không muốn mất vốn nên họ muốn nắm kỹ dòng tiền, kế hoạch kinh doanh thực tế như thế nào để có kế hoạch giải ngân rõ ràng, tránh rủi ro.

Ngoài tổ chức tín dụng, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận vốn từ quỹ đầu tư

Bà Hảo cho biết, ngoài ngân hàng ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ. Với quỹ đầu tư mạo hiểm, thông thường, họ không yêu cầu chứng minh tài sản đảm bảo nếu đơn thuần chỉ cho vay nhưng lãi suất cao. Còn với mức lãi suất thấp, họ sẽ thêm quyền chuyển đổi khoản vay thành cổ phiếu, trái phiếu để chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong tương lai.

Với các dạng trên, bà Hảo nhận định rằng, chuyện minh bạch báo cáo và định hướng cũng rất quan trọng để có thể tiếp cận được với các quỹ đầu tư, xây dựng niềm tin đối với họ.

Thế Trần

Theo Nhịp sống kinh tế

Rate this post