Đây là một trong các nội dung của Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.
Trong bối cảnh bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn biến phức tạp, vấn đề ngăn chặn lẩn tránh thương mại và gian lận xuất xứ đang trở thành vấn đề cấp thiết.
Ngoài ra, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt đang thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA.)
Vì vậy, một mặt Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư, sản xuất thông thoáng nhằm nắm bắt cơ hội từ các luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực mà ta có lợi thế so sánh, có chủ trương khuyến khích đầu tư.
Mặt khác, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu.
Do đó, ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.
Giải pháp chủ yếu của Đề án là tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, Đề án sẽ đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp , đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh,… các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại…
BizLive