Bộ Công Thương: Thuế chống bán phá giá không tạo ra độc quyền trên thị trường thép không gỉ

Bộ Công Thương: Thuế chống bán phá giá không tạo ra độc quyền trên thị trường thép không gỉ

Ảnh minh họa.

Nếu không có biện pháp chống bán phá giá, với việc hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt vào Việt Nam thì ngành sản xuất trong nước khó có thể tồn tại và phát triển.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Công thương nhận được một số thông tin phản ánh của một số trang báo về việc thị trường thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam đang có dấu hiệu độc quyền, bị thao túng về giá, chất lượng với nguyên nhân là do Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ năm 2014. Để làm rõ các nội dung phản ánh trên, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã có phản hồi về vấn đề này.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, chống bán phá giá là một biện pháp phòng vệ thương mại được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các thành viên áp dụng trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Ngày 6/5/2013, Bộ Công thương nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội (còn gọi là thép inox) nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Sau khi thẩm định hồ sơ, điều tra và thẩm tra tại chỗ đối với các thông tin, số liệu cung cấp bởi nhà sản xuất trong nước, nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài, nhà nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật về chống bán phá giá, kết quả điều tra cho thấy, có hành vi bán phá giá của các nhà sản xuất thép inox của 4 nước/vùng lãnh thổ nêu trên; ngành sản xuất trong nước đang bị thiệt hại đáng kể và có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá thép inox và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Do đó, ngày 5/9/2014, Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ từ các thị trường nói trên nhập khẩu vào Việt Nam.

Về tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép inox trong nước trước và sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, theo thông tin của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay Việt Nam có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cán nguội cán phẳng dạng cuộn/tấm.

Trong đó, một số doanh nghiệp sản xuất chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội bộ (dùng để sản xuất ống thép, bình đựng nước và các sản phẩm khác) mà không bán ra thị trường hoặc chỉ bán với số lượng rất ít.

Sản lượng năm 2018 của Công ty TNHH POSCO VST (Posco) chiếm dưới 50% tổng sản lượng của ngành, kể cả phục vụ tiêu dùng nội bộ. Trong thời gian tới, năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước sẽ tăng thêm khoảng 400.000-500.000 tấn/năm bởi các nhà máy thép không gỉ mới như Nguyễn Minh (trên 200.000 tấn/năm), Việt Quang.

Về tình hình nhập khẩu, sản xuất và bán hàng thép không gỉ cán nguội kể từ khi có biện pháp chống bán phá giá, hiện nay thuế này chỉ áp dụng với thép inox của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Các sản phẩm thép inox từ các nước khác vẫn có thể nhập khẩu vào Việt Nam mà không bị áp thuế chống bán phá giá.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đến nay, thép inox vẫn tiếp tục được nhập khẩu từ 4 nước/vùng lãnh thổ bị áp thuế cũng như từ các nước khác.

Tổng lượng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội từ tất cả các nguồn sau khi có biện pháp chống bán phá giá vẫn tăng so với giai đoạn trước khi áp thuế bán phá giá, ví dụ như thép inox đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Như vậy, người sử dụng thép inox tại Việt Nam có nhiều sự lựa chọn khác nhau ngoài nguồn sản xuất trong nước.

Trong giai đoạn điều tra gần nhất (từ 1/7/2017 – 30/6/2018), nhập khẩu thép inox vẫn chiếm tới 57,2% tổng tiêu thụ trong nước. Trong đó, nhập khẩu từ các nước không bị áp thuế chống bán phá giá chiếm 68,5% tổng nhập khẩu, sản xuất trong nước chỉ chiếm 42,8% tiêu thụ trong nước.

Cùng với việc sản lượng của doanh nghiệp lớn nhất chiếm dưới 50% sản lượng trong nước thì không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp sản xuất nào đó “độc quyền” về nhóm sản phẩm này.

Riêng đối với sản phẩm thép không gỉ khổ rộng (từ 1.200 mm trở lên), số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam vẫn đang nhập khẩu loại sản phẩm này với tỉ lệ khoảng 25% tổng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội vào Việt Nam năm 2018.

Bộ Công Thương: Thuế chống bán phá giá không tạo ra độc quyền trên thị trường thép không gỉ  - Ảnh 1.

Diễn biến giá bán bình quân của thép không gỉ

Biểu đồ trên cho thấy với việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá mức chênh lệch giá giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước đã thu hẹp lại. Mặt khác, biến động tăng/giảm giá của công ty Posco và các nhà sản xuất trong nước khác theo cùng một xu hướng.

Giá bán của công ty Posco luôn cao hơn giá bán của các nhà sản xuất trong nước khác do chủng loại hàng hóa của Posco thuộc phân khúc chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, chênh lệch giá bán giữa hàng hóa của công ty Posco và của nhà sản xuất trong nước khác đã dần thu hẹp lại.

Thị phần của Posco không biến động quá lớn kể từ khi biện pháp chống bán phá giá được áp dụng. Trong khi đó, thị phần của các nhà sản xuất trong nước khác lại có xu hướng tăng lên rõ rệt. Như vậy, không có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá của Bộ Công Thương làm tăng vị thế của Posco trên thị trường thép không gỉ cán nguội.

Theo Cục phòng vệ thương mại, sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ tháng 10/2014, ngành sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi và dần tăng trưởng. Nếu không có biện pháp chống bán phá giá, với việc hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt vào Việt Nam thì ngành sản xuất trong nước khó có thể tồn tại và phát triển.

Thị trường thép không gỉ cán nguội của Việt Nam trước đây chỉ có sự tham gia của công ty Posco cùng một số công ty quy mô nhỏ khác, nay đã bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong nước.

Trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp, Bộ Công Thương đã cân nhắc, xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp CBPG đối với các sản phẩm thép không gỉ cán nguội làm nguyên liệu đầu vào mà trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng nhu cầu nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo thống kê, thép inox của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan đã từng bị nhiều nền kinh tế trên thế giới điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Brasil, México, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU).

Trong bối cảnh mặt hàng này phải chịu nhiều áp lực từ việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở nước ngoài, nếu không áp dụng biện pháp chống bán phá giá này, hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ ồ ạt xuất khẩu vào Việt Nam. Khi đó, không những ngành sản xuất thép không gỉ trong nước phải chịu thiệt hại mà các mặt hàng ống thép, đồ gia dụng do Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu đầu vào là thép không gỉ cán nguội nhập khẩu, khi xuất khẩu sẽ đối mặt với việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá của các nước khác.

Cho tới nay, việc điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá của Bộ Công Thương tuân thủ đầy đủ quy định của Luật quản lý Ngoại thương và các quy định của WTO. Trước tình trạng bán phá giá của nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài gây thiệt hại đối với sản xuất trong nước thì việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá là cần thiết giúp duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài, góp phần thúc đẩy cạnh tranh ở thị trường nội địa, giúp thu hút sự tham gia thêm của nhiều doanh nghiệp sản xuất, đồng thời vẫn đảm bảo người tiêu dùng tiếp tục có nhiều sự lựa chọn khác nhau, cả sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Quỳnh Anh

Theo Nhịp sống kinh tế

Rate this post