Bán hoa quả Trung Quốc nói hàng Việt: ‘Tội gì không nói’

Bán hoa quả Trung Quốc nói hàng Việt: 'Tội gì không nói'

Theo chị Hương, do tâm lý của khách không thích mua hoa quả Trung Quốc nên việc chị giới thiệu đó là hàng Việt là để dễ bán và được giá hơn.

Trước đó, báo chí đã từng xôn xao về hoa quả Trung Quốc vô tư đội lốt hàng Việt như quả đào tiên, mận đen, táo đá… Mới đây, lại xuất hiện thông tin hơn 100 tấn xoài mini Trung Quốc đổ bộ TP HCM mỗi ngày và được bán lẻ dưới mác xoài Châu Đốc (An Giang).

Để hiểu rõ hơn về việc này, ngày 9/7, PV đã có buổi tìm hiểu một số người chuyên bán hoa quả rong tại TP HCM và Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Hương (36 tuổi, trú tại TP HCM) cho biết: “Tôi bán hoa quả rong đã được 15 năm rồi, mùa nào thức ấy. Việc bán hoa quả Trung Quốc nhưng nói là hàng Việt Nam thì đó là điều không có gì lạ đối với những người bán hoa quả như chúng tôi.

Bởi tâm lý của khách khi đi mua hoa quả nếu mình giới thiệu đó là hàng của Trung Quốc có lẽ sẽ chẳng ai thích mua. Dù sao đó cũng chỉ là câu nói, mình nói hoa quả Việt, do người Việt trồng cũng không ai biết. Miễn sao hàng mình nhìn mẫu mã đẹp, ăn ngon ngọt, giá tốt là được”.

Theo chị Hương, không phải lúc nào chị cũng mua được hoa quả hàng chuẩn của Việt Nam hoặc nếu có mua được thì giá đắt, mẫu mã xấu, ăn chưa chắc đã ngọt như hàng Trung Quốc. Chính vì thế, hoa quả Trung Quốc vẫn luôn được chị để ý đầu tiên khi ra chợ đầu mối.

“Trước giờ tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mua hàng Trung Quốc nhưng nói hàng Việt là sai. Tôi nghĩ, những ai đi chợ thì đều không tránh được việc nói tránh, nói giảm hay nói dối. Chỉ cần nói tránh hay không nhắc tới tên hàng Trung Quốc là tôi đã bán được nhiều hàng hơn rồi thì tội gì tôi không nói”, chị Hương chia sẻ thêm.

Bán hoa quả Trung Quốc nói hàng Việt: Tội gì không nói - Ảnh 1.

Loại mận này thường được người bán quảng cáo là mận Sa Pa nhưng thực chất là mận nhập từ Trung Quốc

Cũng theo chị Hương, chị bán hàng rong nay đây, mai đó, không cố định bán một nơi. Có những khách chỉ mua một lần, chứ không gặp lại lần sau nữa nên dù chị có nói sai về nguồn gốc hàng thì chị cũng không lo sợ khách phản ánh.

Có cùng suy nghĩ với chị Hương, cùng ngày, chị Nguyễn Thị Tân (42 tuổi, người bán hoa quả rong tại Hà Nội) cho rằng: “Do bán hoa quả đã lâu nên khi ăn loại quả nào hay nhìn mẫu mã hàng là tôi có thể phân biệt được hàng trong nước hay hàng Trung Quốc.

Biết vậy nhưng hoa quả tôi bán vẫn đa số là của Trung Quốc, còn khi bán nói là hàng Việt Nam hay hàng của người thân trồng là để người mua vui vẻ, yên tâm, không kỳ kèo hay hỏi vặn vẹo nhiều”.

Cũng theo chị Tân, chị có nhiều khách thân quen, thi thoảng họ phải mua những quả xấu, quả vẹo nên họ rất tin tưởng khi đặt hàng của chị.

“Đó là chiến thuật của tôi, tôi thay đổi mẫu mã hàng như vậy là để củng cố niềm tin của khách. Nhiều khách nghĩ hàng đẹp có khi bị phun thuốc nhiều nên thi thoảng tôi mua theo mớ hoa quả đã bị lọc ra nhưng bán nói là hàng nông dân Việt không phun thuốc như Trung Quốc là khách tin lắm”, chị Tân tiết lộ thêm.

Nói về việc này, cùng ngày, luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên ban chấp hành Liên đoàn luật sư Việt Nam cho biết, đối với những trường hợp buôn bán hàng không rõ nguồn gốc hay mua hàng của Trung Quốc nhưng gắn mác hàng Việt Nam sẽ phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

“Giả ở đây là giả về nguồn gốc, giả về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Không phải hàng Việt Nam mà nói là hàng Việt là nói dối, làm giả. Với những hành vi như này, tùy theo số lượng hàng hóa sẽ bị phạt hành chính, nhẹ là mấy trăm nghìn đồng, còn nặng lên tới mấy chục triệu đồng.

Đối với những trường hợp cố tình tái phạm sẽ bị phạt nặng hơn, thậm chí có thể bị khởi tố hình sự. Còn tội gian lận thương mại thường áp dụng cho những công ty buôn bán hàng giả hay làm giả chứng nhận”, luật sư Tám phân tích.

Cũng theo luật sư Tám, đối với những trường hợp buôn bán hàng giả, bên cạnh đó còn bán hàng ngâm thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị khởi tố hình sự. Những người bán hàng rong, số lượng ít thì sẽ bị nhắc nhở, phạt hành chính.

Bán hoa quả Trung Quốc nói hàng Việt: Tội gì không nói - Ảnh 2.

Xoài Trung Quốc được bán ở chợ sỉ. Ảnh: NLĐ

Trước đó, theo thông tin phản ánh trên báo Người Lao Động, tại các sạp hoa quả và xe bán rong hoa quả tại TP HCM bán nhiều loại xoài chín, quả rất nhỏ, thường gọi là xoài mini, xoài tí hon hoặc xoài mút với giá bán lẻ chỉ 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Một tiểu thương bán rong loại xoài này trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP HCM) khẳng định, đây là xoài Châu Đốc (An Giang), mỗi năm chỉ có một mùa, giá hợp lý nên bán rất chạy.

Trong khi đó, đại diện chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM) xác nhận loại xoài trên xuất xứ từ Trung Quốc và hàng mới về chợ từ đầu tháng 7.

Hay như trước đó, báo chí cũng phản ánh trên nhiều tuyến phố, khu chợ ở Hà Nội bày bán khá nhiều loại quả như táo, đào, mận đen… Nhiều người bán hàng rong quảng cáo là đào tiên, được trồng ở Sa Pa (Lào Cai) hay táo sạch, xuất xử ở vùng Quản Bạ (Đồng Văn, Hà Giang).

Tuy nhiên, theo thông tin trên báo Dân Trí, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai khẳng định, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Lào Cai chưa trồng được loại đào này.

Bán hoa quả Trung Quốc nói hàng Việt: Tội gì không nói - Ảnh 3.

Đào tiên được bày bán nhiều tại Hà Nội

Còn lãnh đạo Sở NT&PTNN tỉnh Hà Giang khẳng định, hiện nay Hà Giang chưa có địa phương nào trồng được loại táo này.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết, nhiều các cơ sở bán buôn ở đây đều khẳng định, loại táo này có nguồn gốc ở các xã vùng biên của Trung Quốc.

Theo Mai Thùy

Đất Việt

Rate this post